HbA1c là gì ?
Trong mỗi tế bào hồng cầu trong máu đều có thành phần protein là hemoglobin. Hemoglobin có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể.
Hemoglobin kết hợp với glucose trong máu sẽ tạo nên các sản phẩm gọi là glycated hemoglobin: HbA1c.
1. Nguồn gốc và thải trừ:
- Nguồn gốc: Glucose kết hợp với hemoglobin (Hb) liên tục và gần như không hồi phục trong suốt đời sống của hồng cầu. Khi nồng độ glucose máu tăng cao hơn mức bình thường trong thời gian đủ dài, glucose sẽ phản ứng với Hb mà không cần sự xúc tác của enzym. Phản ứng xẩy ra trong hồng cầu, glucose sẽ phản ứng với Hb tạo thành hemoglobin bị glycosyl hóa.
Trong hồng cầu có 3 loại Hb: HbA1 chiếm 97- 99%, HbA2 chiếm 1- 3%, HbF ở bào thai khi sinh ra chỉ còn vết. HbA1 có 3 nhóm HbA1a, HbA1b và HbA1c trong đó HbA1c chiếm 80%. Để biểu thị hemoglobin bị glycosyl hóa người ta định lượng phần HbA1c bị glycosyl hóa, gọi tắt là HbA1c, tính ra đơn vị %.
Nồng độ HbA1c sẽ tương quan thuận với nồng độ glucose huyết tương trung bình trong vòng 6 đến 12 tuần trước đó. Vì vậy bằng cách định lượng HbA1c thầy thuốc có thể nhận định được nồng độ glucose máu trung bình trong vòng 2-4 tháng trước đó của bệnh nhân, cho phép đánh giá hiệu quả quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
- Chuyển hóa trong cơ thể: khi hồng cầu già bị tiêu hủy ở lách, các hemoglobin bị glycosyl cũng bị phân hủy tại đây.
2. Bản chất của chất của xét nghiệm là xác định % hemoglobin bị glycosyl trong tổng số hemoglobin, từ đó đánh giá được nồng độ glucose trong máu trong khoảng thời gian 3 tháng trước đó.
3. HbA1c tăng cao trong các trường hợp:
- Tăng nồng độ glucose máu.
- Bệnh nhân ĐTĐ mới được chẩn đoán. Bệnh nhân ĐTĐ được kiểm soát kém.
- Suy thận mạn. Thiếu máu, thiếu sắt. Nghiện rượu.
- Ngộ độc chì và các thuốc gây nghiện, an thần.
4. HbA1c giảm trong các trường hợp:
-Mất máu mạn tính.
- Thời gian sống của hồng cầu bị rút ngắn: thiếu máu tan máu, hồng cầu hình cầu, hồng cầu hình liềm, bệnh Thalassemia.
- Sau truyền máu.
- Sau cắt lách.
- Sau khi dùng liều lớn vitamin C hoặc E.
- Có thai
5. Chỉ định xét nghiệm: Chẩn đoán và kiểm soát hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường. Theo dõi sự tuân thủ điều trị và mức độ kiểm soát glucose máu trong khoảng thời gian dài ở bệnh nhân ĐTĐ. Dự kiến sự xuất hiện và tiến triển của các biến chứng vi mạch do ĐTĐ.
- Trị số bình thường trong máu: 2,2 – 5,6%.
- Tăng nguy cơ bị ĐTĐ: 5,7 - 6,4%.
- Bị bệnh ĐTĐ: > 6,5%.
6. Cách lấy mẫu:
✓ Mẫu máu lấy vào buổi sáng: 2ml máu, không chống đông hoặc chống đông bằng lithiheparin, EDTA.
✓ Thời gian làm xét nghiệm mất 1 giờ. Trước khi làm bệnh nhân không cần chuẩn bị trước, không cần nhịn đói.
© Khi glucose trong máu càng nhiều, sẽ tạo ra HbA1c càng nhiều và ngược lại.
HbA1c dùng để làm gì?
HbA1c có thể dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Theo tiểu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường:
✓ HbA1c> = 6.5%: Đái tháo đường
✓ 5.7 =< HbA1c < 6.5%: Tiền đái tháo đường
✓ HbA1c<5.7%: Bình thường
Tuy nhiên xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm chuẩn và sử dụng hoá chất như trong nghiên cứu DCCT.
Xét nghiệm HbA1c để theo dõi mức đường glucose trong máu
Vì Glucose thay đổi liên tục trong ngày: thấp lúc đói và tăng sau mỗi bữa ăn, thay đổi khi tập luyện hay stress, mất ngủ…
Do vậy, chúng ta cần một xét nghiệm có tính ổn định, đại diện cho mức trung bình của glucose trong máu. Đó là HbA1c
HbA1c liên quan đến hemoglobin của hồng cầu. Đời sống hồng cầu trung bình kéo dài được 3 tháng.
Do vậy, HbA1c chỉ đại diện được cho glucose trung bình trong 3 tháng trước đó.
© Mục tiêu HbA1c cần đạt là bao nhiêu?
Dựa vào các nghiên cứu, các Hiệp hội và Liên đoàn đái tháo đường trên thế giới khuyến cáo mức HbA1c của bệnh nhân tiểu đường nên < 7%.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu HbA1c < 7%, sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị biến chứng do tiểu đường gây ra.
Tuy nhiên, tuỳ theo từng đối tượng bệnh nhân mà mục tiêu HbA1c có thể khác nhau.
Xét nghiệm HbA1c như thế nào?
HbA1c được xét nghiệm bằng cách lấy máu tĩnh mạch.
Xét nghiệm được thực hiện mỗi 3 tháng.
Xét nghiệm HbA1c không cần phải nhịn đói, có thể xét nghiệm bất cứ lúc nào trong ngày.
Kết quả HbA1c có thể không phản ánh đúng lượng glucose trung bình trong máu nếu bệnh nhân có thiếu máu hay các bệnh lý liên quan đến hemoglobin.